Dù là du học sinh tự túc hay du học sinh theo diện học bổng chắc chắn đều sẽ gặp phải những khó khăn khi du học Nhật, đặc biệt là trong thời gian đầu đặt chân đến xứ người. Bạn có tò mò những khó khăn khi đến Nhật là gì không? Hãy đọc bài viết để tìm được đáp án mà bạn cần nhé!
“Du học tại đất nước mặt trời mọc thoạt nghe có vẻ thú vị, nhưng trước khi đưa ra quyết định hãy chắc chắn rằng bạn biết được những khó khăn khi du học Nhật.”
Chi phí sinh hoạt và học phí vô cùng đắt đỏ
Được mệnh danh là một trong những đất nước có giá cả đắt đỏ bậc nhất thế giới, chi phí sinh hoạt và mức học phí ở Nhật Bản là những con số khiến người ta phải xây xẩm mặt mày.
Ở Nhật, bạn có thể dễ dàng mua được tất cả những thứ bạn cần và không cần. Đương nhiên, điều kiện là bạn phải rủng rỉnh tiền bạc bởi vì từ quả ớt đến cọng hành lá ở đây được bán với mức giá cao ngất ngưởng.
Thứ 2 là tiền thuê nhà ở Nhật, phải nói là cực kỳ đắt. Bạn sẽ phải chi trả một số tiền rất lớn để đổi lại một căn phòng rất bé. Để giảm chi phí, bạn có thể lựa chọn ký túc xá của trường học để chia sẻ tiền thuê phòng với những người bạn khác, đổi lại thì vật dụng trong phòng sẽ phải dùng chung và chỗ ở sẽ chật chội hơn rất nhiều so với nhà thuê bên ngoài.
Nói đến những khó khăn khi du học Nhật đương nhiên không thể bỏ qua yếu tố thứ 3 – tiền học phí. Đây tuyệt đối là một gánh nặng đối với những du học sinh sang Nhật theo diện tự túc. Nếu gia đình bạn không thật sự khá giả, bạn cần phải tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ về mức học phí của trường mà mình dự định theo học cũng như tính toán mức chi tiêu cá nhân để không phải bỏ dở giữa chừng vì không đủ tiền đóng học phí hoặc bị trục xuất về nước vì đi làm thêm quá số giờ quy định của pháp luật Nhật Bản.
- Học phí của nhóm Đại học công lập và đại học quốc gia sẽ do Chính phủ Nhật Bản quy định, không phân biệt ngành học và bằng 60% mức học phí trung bình của các trường tư thục: khoảng 540,000 Yên mỗi năm + phí nhập học 280,000 Yên (trong năm đầu tiên) cho cả bậc đại học và cao học.
- Học phí của nhóm Đại học tư thục sẽ khác nhau theo từng trường và ngành học: khoảng 875,000 Yên đến 3,700,000 Yên mỗi năm cùng với phí nhập học từ 235,000 Yên tới 1,300,000 Yên (trong năm đầu tiên) cho bậc đại học.
Lối sống, tư duy, văn hóa bất đồng
Hẳn nhiên, những khó khăn khi du học Nhật không chỉ nằm ở vấn đề tài chính mà còn là sự bất đồng về văn hóa và lối sống của 2 đất nước. Nét văn hóa trong ứng xử, giao tiếp của người Nhật có sự khác biệt khá lớn so với Việt Nam, điển hình ở các yếu tố sau:
- Quan điểm về sự “bình đẳng”: tại xứ sở Phù Tang, những mối quan hệ trong xã hội được phân định rõ ràng theo đẳng cấp, kẻ trên – người dưới rất rõ ràng. Do đó, trong công sở lòng trung thành, sự kính trọng, chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên và những người có thâm niên được coi là một phẩm chất cao quý.
- Trong cuộc sống hằng ngày, người Nhật rất ngại làm phiền người khác: Khi làm bất cứ việc gì họ đều phải cân nhắc xem có ảnh hưởng đến ai khác hay không. Vì lẽ đó, nhiều người Việt Nam khi mới sang Nhật thường cảm thấy người Nhật rất vô tình, rất xa cách và điều đó đôi khi sẽ dẫn đến những sự cố đáng tiếc.
- Luôn tôn trọng giờ giấc. Đúng giờ là nền tảng của văn hóa Nhật Bản. Nếu có kế hoạch bắt đầu lúc 8:00 sáng, bạn cần phải có mặt ở đó trước 7:45 sáng. Bạn sẽ nhận thấy, đặc biệt là trên các phương tiện giao thông công cộng, mọi người luôn chạy hoặc đi bộ nhanh đến điểm đến tiếp theo của họ. Đến trễ là hành vi không thể chấp nhận được. Nếu bạn đang đi trễ dù chỉ một phút để gặp ai đó, hãy nhắn tin hoặc gọi điện cho họ biết. Một nguyên tắc chung là luôn đến sớm hơn dự kiến và đặt báo thức sớm sẽ giúp bạn làm được điều đó.
- Sẵn sàng mang giày vào và cởi ra mọi lúc. Bất cứ khi nào bạn bước vào một không gian riêng tư, chẳng hạn như nhà của gia đình bản xứ hoặc lớp học ở trường, bạn sẽ cần phải tháo giày của mình. Hãy luôn mang vớ bên mình vì đi chân trần là điều tuyệt đối không nên. Hầu hết các nơi đều có khu vực sảnh phía trước với các không gian để bạn cất giày. Khi ở cùng gia đình của người bản xứ, bạn cần mang theo dép đi trong nhà. Những đôi giày đi trong nhà không nên mang ra ngoài.
- Sạch sẽ. Một trong những điều đầu tiên bạn sẽ nhận thấy về Nhật Bản là mọi thứ sạch sẽ như thế nào từ con người, nhà cửa, đến đường phố tất cả đều rất gọn gàng và ngăn nắp. Ngoài không gian công cộng sạch sẽ, người Nhật còn là một dân tộc rất rất sạch sẽ. Chẳng hạn như mọi người tắm mỗi ngày, đôi khi nhiều lần trong ngày. Bạn cần chú ý giữ gìn vệ sinh của mình, luôn mặc quần áo khử mùi và tắm rửa hàng ngày. Hoặc mọi người thường xuyên rửa tay cả ngày, không chỉ sau khi đi vệ sinh hay hầu hết các nơi đều có một khay đặc biệt để bạn bỏ tiền vào và nhận tiền, vì vậy bạn không cần phải giao tiền trực tiếp với bất kỳ ai có thể mang mầm bệnh cho bạn.
Bên cạnh việc chuẩn bị tài chính, đừng quên tìm hiểu thật kỹ về văn hóa, lối sống và tư duy của đất nước, con người Nhật Bản để có thể hòa nhập trong thời gian ngắn nhất.
Bất đồng ngôn ngữ
Nếu hỏi “Những khó khăn khi đến Nhật là gì?” chắc chắn phải đến 90% du học sinh trả lời rằng bất đồng ngôn ngữ. Kể cả những du học sinh đã đạt chứng chỉ tiếng Nhật N3 (được coi là yêu cầu tối thiểu để có thể tiếp thu được nội dung học tại các trường đại học và cao đẳng) khi thực sự giao tiếp với người bản xứ cũng sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn. Trong khi đó, đại đa số du học sinh khi mới sang thì vốn tiếng Nhật vẫn còn bập bẹ, không đủ để nghe hiểu và giao tiếp. Điều này sẽ khiến bạn gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt ngày thường và đặc biệt khó có thể theo kịp bài giảng vì 100% bài giảng của bạn đều là tiếng Nhật.
Tiếng Anh thật sự không phổ biến ở Nhật Bản vì người Nhật có tính tự tôn rất cao nên tiếng Anh chưa từng được coi là một công cụ giao tiếp chính. Vì lẽ đó, rào cản ngôn ngữ là một trong những trở ngại lớn khiến du học sinh e sợ và gặp phải rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu sinh sống tại Nhật.
Trước khi sang Nhật, hãy chăm chỉ học Tiếng Nhật đến trình độ càng cao càng tốt để hạn chế tối đa những khó khăn khi giao tiếp với người bản xứ. Bên cạnh đó, hãy tích cực nói chuyện với người Nhật để luyện kỹ năng nghe – hiểu và giao tiếp tiếng Nhật.
Đồ ăn không hợp khẩu vị
Không thể phủ nhận rằng ẩm thực Nhật Bản rất độc đáo và cũng rất hấp dẫn. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể ăn được đồ ăn Nhật vì sự khác biệt hoàn toàn trong phương pháp chế biến món ăn cũng như cách nêm nếm gia vị. Người Nhật thích sự thanh đạm trong khi người Việt lại chú trọng sự đậm đà, đa dạng về hương vị. Ở Nhật Bản, người ta không dùng nước mắm mà chỉ dùng nước tương Nhật và chắc chắn rằng rất nhiều du học sinh Việt Nam sẽ cảm thấy không hợp khẩu vị, đặc biệt là trong giai đoạn đầu sang Nhật.
Để khắc phục khó khăn này, bạn nên mang theo những loại đồ khô và các gia vị nấu ăn Việt Nam trong hành lý sang Nhật vì khi ở Nhật, nếu muốn mua những loại gia vị này bạn sẽ phải trả một cái giá khá đắt. Đương nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề này bởi vì mưa dầm thấm lâu, thời gian trôi qua bạn cũng sẽ quen dần với ẩm thực Nhật Bản, thậm chí còn cảm thấy đồ ăn Nhật rất ngon.
Những khó khăn khi du học Nhật không hề ít nhưng bạn biết đấy, đường đến thành công không thể nào trải đầy hoa hồng. Nghị lực, sự cố gắng và quyết tâm cao độ sẽ giúp bạn thu được trái ngọt và vươn tới thành công trong tương lai.
Trang Đoàn