Vì sao tiếng Nhật có đến 3 loại chữ viết?

Văn hóa Nhật Bản

Nếu như hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ có duy nhất một loại chữ viết, thì Nhật Bản có đến 3 loại chữ khác nhau. Đây quả là một đặc điểm thú vị, góp phần làm nên nét đặc sắc trong văn hóa nước Nhật. Mặc dù, nó cũng khiến những người học tiếng Nhật gặp không ít khó khăn.

Vậy vì sao tiếng Nhật có đến 3 loại chữ viết và đó là những loại nào, được dùng với mục đích gì?

Lí do vì sao tiếng Nhật có đến 3 loại chữ viết

“Ba bảng chữ cái của Nhật Bản đều là thành phần không thể thiếu trong hệ thống chữ viết tiếng Nhật. Chúng bổ sung cho nhau và đây là lí do vì sao tiếng Nhật có đến 3 loại chữ viết”.

Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về 3 loại chữ viết trong tiếng Nhật để hiểu rõ hơn về lí do này nhé.

Chữ Kanji

Được du nhập vào Nhật Bản trong khoảng thế kỷ thứ 5, Kanji hay còn gọi là Hán tự, là loại chữ tượng hình có nguồn gốc từ tiếng Trung. Ngày xưa khi chưa có chữ viết riêng, người Nhật đã mượn chữ tượng hình của người Trung Hoa, và dựa vào đó để phát triển thành hệ thống chữ viết riêng của Nhật Bản.

Người ta thường quan niệm sai lầm rằng chữ kanji là những chữ tượng hình, có nghĩa là chúng trông giống như từ mà chúng đại diện. Mặc dù điều đó đúng với một số chữ kanji, nhưng nó không đúng với toàn bộ hệ thống chữ viết.

Có hàng chục nghìn chữ kanji vì chữ kanji đã biến đổi rất nhiều trong vài thiên niên kỷ qua.

Học chữ Kanji là điều bắt buộc nếu bạn muốn học tiếng Nhật và nhất là nếu bạn có nguyện vọng sang Nhật. Không có chữ Kanji bạn không thể đọc sách báo tiếng Nhật để nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình.

Kanji giúp chia nhỏ một câu. Nếu không có chúng, gần như không thể hiểu được ý nghĩa của một câu. Không có dấu cách trong tiếng Nhật để phân biệt nơi bắt đầu và kết thúc của một từ. Điều này có nghĩa là kana bị lộn xộn với nhau trong một chuỗi dài các ký hiệu.

Hệ thống chữ Kanji hiện nay của người Nhật được thống kê gồm 5000 chữ Hán, tuy nhiên chỉ có trên 2130 chữ thường gặp, các chữ này được cấu thành bởi 214 bộ thủ.

Việc làm quen, học và thông thạo chữ Kanji khá là khó khăn, nhất là với người ngoại quốc (không phải người Nhật). Cần phải mất nhiều thời gian để có thể đọc được các tác phẩm văn học của Nhật Bản bằng loại chữ này.

Tuy nhiên để dễ hơn với người nước ngoài, hay những người lần đầu tiên tiếp cận với tiếng Nhật nói chung, người ta phân chia chữ Kanji thành các cấp độ khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Để giao tiếp bằng tiếng Nhật, bạn chỉ cần học đến mức độ trung cấp là có thể sử dụng trong công việc cũng như sống ở Nhật Bản.

Vì là chữ tượng hình nên mỗi chữ nhìn giống như một bức tranh sinh động mang nhiều ý nghĩa. Có lẽ vì thế mà Kanji được sử dụng nhiều để viết thư pháp. Mỗi một chữ Kanji đều mang trong mình những ẩn ý sâu sắc khiến những ai tìm hiểu về loại chữ này sẽ cảm thấy ngày càng thích thú và thán phục.

Chữ Hiragana

Với mong muốn cho ra đời một loại chữ viết riêng cho đất nước, đồng thời khắc phục những hạn chế và bất tiện trong việc sử dụng chữ Kanj, người Nhật đã sáng tạo ra chữ Hiragana.

Bộ Hiragana là một dạng văn tự biểu âm truyền thống của tiếng Nhật, bắt nguồn từ thảo thư của chữ Hán. Lối viết phá cách nhưng không kém phần mềm mại, bay bướm, vì thế chữ Hiragana còn gọi là chữ mềm.

Về sau, loại chữ viết này được đơn giản hóa và trở thành chữ Hiragana ngày nay.

Bảng chữ cái Hiragana có tổng cộng 46 chữ, đại diện cho tất cả các âm trong tiếng Nhật. Do đó, về mặt lý thuyết mà nói, với bảng chữ cái Hiragana này bạn hoàn toàn có thể nói và viết tiếng Nhật không giới hạn.

Để học được tiếng Nhật yêu cầu quan trọng là phải thuộc lòng và nắm vững được bảng chữ Hiragana, vì Hiragana đảm nhận chức năng ngữ pháp trong câu. Loại chữ này dùng để ghi các từ gốc Nhật, Hán-Nhật không có trong bộ chữ Kanji và làm các thành tố ngữ pháp như trợ từ, trợ động từ, đuôi động từ, tính từ… Hiragana cũng như được dùng để phiên âm chữ Kanji cho dễ đọc.

Trước đây, tại Nhật Bản, nhiều người vẫn giữ quan điểm chỉ có chữ Hán là thứ chữ đáng học của giới thượng lưu, nên Hiragana lúc mới ra đời không được chấp nhận. Sau này, Hiragana được các nữ tác giả dùng để viết tiểu thuyết, trong đó có những tuyệt tác văn chương Nhật Bản viết bằng chữ Hiragana như “Truyện kể Genji”. Dần dần các nhà văn nam giới bắt đầu sử dụng Hiragana. Gần đây, Hiragana đã được dùng chung với chữ katakana.

Hiện nay, Hiragana thường được sử dụng rộng rãi trong các cuốn sách, truyện cho trẻ em. Lý do là trẻ em nhiều khi chưa có kỹ năng đọc hiểu và nhận biết Kanji, nhưng có thể hiểu được những từ viết bằng Hiragana.

Chữ Katakana

Đây là loại chữ được sử dụng rất nhiều trong tiếng Nhật. Chức năng phổ biến nhất của nó là để phiên âm lại các từ có nguồn gốc nước ngoài sang tiếng Nhật. Ví dụ: “television” (Tivi) được viết thành “テレビ” (terebi). Bởi vì có nhiều từ, người Nhật không tìm được chữ Kanji nào tương ứng để trình bày. Đây cũng là một trong những lí do tại sao tiếng Nhật lại có 3 loại chữ viết.

Bên cạnh đó, chữ Katakana còn được dùng khi viết: Thuật ngữ khoa học, kỹ thuật, tên động vật; một số loại thực phẩm, nhất là đồ ăn từ động thực vật, tên công ty, tên quốc gia, người hay địa điểm của nước ngoài hoặc khi muốn nhấn mạnh vào một từ nào đó (cũng tương tự như việc bạn in nghiêng một số chữ trong đoạn văn bản).

Sở dĩ nói Katakana là chữ cứng vì, khác với những kí tự trong bảng Hiragana với những đường nét mềm dẻo, uốn lượn, bảng chữ cái Katakana được tạo thành từ các nét thẳng, nét cong và nét gấp khúc.

Theo một số tài liệu, Katakana lúc đầu được dùng phổ biến trong kinh sách Phật giáo. Với sự phát triển mạnh mẽ của đạo Phật tại Nhật Bản, các nhà sư đã sử dụng chữ viết này để phiên âm cách đọc một số chữ Hán trong kinh Phật. Katakana giúp cho việc phát âm những từ Kanji khó trở nên dễ dàng hơn.

Như vậy, có thể thấy lí do vì sao tiếng Nhật có đến 3 loại chữ viết là do mỗi loại đều có chức năng riêng bổ sung cho nhau. Ngày nay, ba loại chữ viết này được sử dụng cùng nhau, thậm chí được kết hợp trong cùng một câu. Lí do đằng sau đó là phần lớn là vì tính dễ đọc. Kanji giúp chia nhỏ câu. Một câu chỉ có Hiragana sẽ khó đọc giống như một câu tiếng Việt không dấu được viết dính liền nhau. Trong khi đó Katakana sử dụng để phiên âm các từ có nguồn gốc nước ngoài. Mặc dù có thể Nhật Bản có thể đơn giản hóa hệ thống chữ viết của mình hơn nữa, nhưng họ có vẻ khá hài lòng khi tiếp tục sử dụng cả ba.

Kiều Giang

LIÊN HỆ NGAY ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ MIỄN PHÍ

Để được tư vấn và cung cấp các thông tin du học Nhật Bản mới Nhất, đừng ngần ngại liên hệ với Minori Education.

MINORI EDUCATION – minori.edu@gmail.com

Văn hóa Nhật Bản
Minori Education
PAGE TOP